Mối tình đơn phương với Phạm Thị Toàn Lý_Nam_Đế

Ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay là làng An Ninh, xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương là người có chí khí, vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi người con gái tên là Phạm Thị Toàn lớn khôn và luôn nhắc nhở con về nỗi đau mất nước.

Năm Tân Dậu (541), khi nghe tin hào trưởng Lý Bí ở đất Thái Bình dựng cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân nổi dậy đánh đuổi bọn đô hộ, cha con ông Phạm Lương liền bán tài sản, nhà cửa để mộ quân tham gia ứng nghĩa cùng với hào kiệt, tù trưởng, thủ lĩnh các địa phương.

Với sự tham gia đông đảo đó, thanh thế nghĩa quân rất lớn nên chỉ trong vòng 3 tháng đã khiến chính quyền đô hộ của giặc Lương tan vỡ khắp nơi, tên thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ phải bỏ chạy về phương Bắc.

Vì có công lao, ông Phạm Lương được phong làm bộ chủ châu Hoan (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh) nhưng chỉ được vài năm thì mất, thi hài được đưa về an táng tại quê nhà.

Còn Phạm Thị Toàn, trong các trận chiến đánh giặc, tuy là phận nữ nhi nhưng luôn dũng cảm xông pha tên đạn, không quản gian khổ hiểm nguy và trở thành một nữ tướng nổi danh được quân dân mến trọng còn kẻ thù nghe tiếng nàng đã kinh hãi.

Sau khi đất nước giành được quyền tự chủ không lâu, tháng 12 năm Nhâm Tuất (542), Phạm Thị Toàn lại tham gia phá giặc Lương nơi địa đầu biên giới lúc chúng cho quân tiến xuống xâm lược định tái lập ách đô hộ và đến tháng 4 năm Quý Hợi (543) nàng theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam.

Khi đã ổn định được tình hình đất nước, tháng 1 năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế; ông chính là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam (sử quen gọi là Lý Nam Đế) và lấy niên hiệu là Thiên Đức.

Với mong muốn đất nước vững bền lâu dài, trường tồn mãi mãi, Lý Nam Đế đặt quốc hiệu là Vạn Xuân "có ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy" (Đại Việt sử ký toàn thư), ông còn dựng triều nghi, đặt trăm quan, xây dựng thiết chế chính quyền có sự phân định cụ thể.

Về chuyện hôn nhân, nghĩ đến người con gái xinh đẹp, nết na, lại giỏi văn chương, côn quyền từng lập không ít công trạng, Lý Nam Đế liền cho người đón Phạm Thị Toàn vào cung để lấp chỗ trống cho Hứa Trinh Hòa làm hoàng hậu nhưng nàng một mực chối từ mà nói rằng:

"Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ!".

Biết khó lay chuyển ý định của nàng, Lý Nam Đế không muốn làm chuyện gượng ép nên đã chấp thuận thỉnh nguyện của Phạm Thị Toàn. Từ đó bà ở lại quê nhà lập chùa tịnh tu cho đến khi mất. Sau khi bà qua đời, người dân đã lập đền thờ tôn bà làm thành hoàng.

Năm Quý Mùi (1103) niên hiệu Long Phù thứ 3 đời vua Lý Nhân Tông, nhà vua đã ban sắc phong cho Phạm Thị Toàn là "công chúa ni cô". Tương truyền bà rất linh thiêng, từng hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.

Ngôi chùa do bà lập ra còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Chùa có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Vĩnh Khánh, chùa Trăm Gian, chùa An Ninh và là một danh tích nổi tiếng của xứ Đông.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lý_Nam_Đế http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www2.vjol.info/index.php/khxhvn/article/vie... http://www.vn.net/vanlangsj/tailieu/kdvstgcm.pdf http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/2... http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/1000_nam_thang_l... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121007/tim-que... http://danviet.vn/net-viet/thuc-hu-moi-tinh-co-si-... http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien... https://vi.wikisource.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_s%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%A4%A7%E8%B6%8A%...